Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Vua billards Trần Đình Hòa: Lên ngôi từ đam mê

Chúng tôi gọi anh là "vua" vì với môn billiards (bi-da) carom tự do Trần Đình Hoà đã đạt cả hai ngôi: Đông Nam Á và châu Á.

 
Trần Đình Hoà chơi bi-da từ năm 14 tuổi, lúc đang học cấp 2 tại thị xã Quảng Ngãi. Trước giải phóng cho đến năm 1997, bi-da vẫn được coi là môn giải trí vô bổ, không ít gia đình ngăn cấm con cái chơi bi-da vì sợ chúng bỏ bê việc học hành. Anh Hoà cho biết: mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ: chơi đến mức say mê và đã trở thành một trong số ít tay cao thủ ở thị xã nhưng vẫn luôn mặc cảm. 

Vì sao anh bỏ Quảng Ngãi vào Sài Gòn?

Cũng vì lý do kinh tế. Nói thật với anh, năm 1981 đời sống khó khăn lắm phải tìm đường sống thôi. Hai vợ chồng, hai đứa con vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Quả là một cuộc phiêu lưu. Bốn năm đầu lay lất ở nhà thuê. Thế rồi tích cóp được 1,5 cây vàng mua được căn nhà 20 thước vuông ở Bình Thạnh. Đến nay vẫn ở vậy, sinh thêm 2 đứa con nữa, vị chi là 6 người trên diện tích nhỏ hẹp như vậy. Anh có dịp tới chơi thì mới hiểu được cái nghèo của mình.

Nghe nói có thời gian anh bỏ hẳn môn bi-da?

Đó là 6 năm sau giải phóng, từ 1975 đến 1981. Thời gian đó mình phải lo sinh kế, vả lại sau giải phóng nhiều nơi cấm chơi bi - da.

Vào Sài Gòn, lúc nào anh trở lại cầm cơ?

Năm 1982, có thể nói là một bước ngoặt. Trên đường đi giao hàng ở Trần Quang Khải - Tân Định, tình cờ tôi gặp một số bạn bè đồng hương. Qua một số câu chuyện thăm hỏi, đột nhiên có người hỏi tôi bây giờ còn đánh bi-da hay không? Tôi nói: lo làm ăn muốn chết, thì giờ đâu đánh bi-da. Rồi các bạn ấy rủ: trên đường này có chỗ đánh bi-da rất xịn, có bàn tây với mặt đá ngoại, băng, nỉ ngoại, có cơ tháo ráp được, mình đi thử đi. Nghe có bàn bi-da xịn, tôi nổi hứng đi chơi ngay.

Lúc đó, sức cơ của anh so với giới chơi bi da chuyên nghiệp ở Sài Gòn thế nào?

Ở khu vực lân cận Sài Gòn, sức chơi của mình cũng đáng lưu ý nhưng có đáng gì đâu so với trung tâm khi đến chơi tại khu vực Trần Quang Khải, họ cũng phân biệt dữ lắm. Mình chỉ được chơi ở bàn ngoài còn ở trong, bàn xịn dành cho giới bi-da giỏi có Hội đàng hoàng. Có lần tôi đi một cơ 50 điểm, người bàn trong nhận ra: đây không phải là tay cơ xoàng. Chẳng bao lâu, tôi được chủ nhà mời vào chơi ở bàn trong.

Anh có thể kể về quá trình chinh phục bi-da Sài Gòn?

Mình ở tỉnh vào, giống như sông chảy vào biển. Ba cái ngón nghề ở Quảng Ngãi trở nên tầm thường. Tôi vừa chơi vừa học. Ngay cả cơ dưới tay mình cũng học được. Vậy mà phải mất đến 16 năm mới lên ngôi vô địch. Đầu tiên là 3 năm (1982 - 1985) được lên đánh ở sêri B, kế đến 6 năm (1985 - 1990) lên đánh sêri A. Ở sêri này chỉ còn 6 - 7 cơ thủ là tương đương với sức đánh của mình.

Việt Nam tham dự môn bi da đầu tiên ở SEA Games 1997, lúc đó vì sao chỉ thấy Lý Thế Vinh mà không thấy anh?

Lúc đó tranh giải môn carom tự do, tôi chỉ xếp thứ 4 nên không được tuyển chọn Đến năm 1998 trở về sau tôi liên tục đoạt ngôi vô địch nhưng lại không có cơ hội đi nước ngoài. Liên tiếp 2 SEA Games 99 và 2001 không có thi đấu môn carom nên tôi không được đi. Tôi cứ yên trí rằng mình không bao giờ được đi nước ngoài nhưng đùng một cái là Asiad 2002 tại Hàn Quốc có môn carom.

Tại Asiad, nghe nói anh đoạt huy chương vàng bằng cuộc lội ngược dòng?

Phải nói gay cấn nhất là gặp đội chủ nhà Hàn Quốc. Họ đã dẫn tôi một mức điểm rất xa là 204 điểm. Lúc ấy nếu là một tay cơ xoàng, nôn nóng gỡ điểm là có thể bại trận ngay. Nhưng tôi đã rất bình tĩnh gỡ lại từng điểm và cuối cùng chiến thắng.

Lúc ấy, cảm giác của anh thế nào?

Rất sung sướng vì lần đầu tiên đoạt chiếc huy chương vàng tầm cỡ châu lục. Nên nhớ rằng đây là chiếc huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam tại Asiad này. 

Sau đó là chiếc huy chương vàng SEA Games trên sân nhà?

Trận chung kết môn carom tự do tại SEA Games 22 cũng là cuộc tranh chấp nội bộ. Tôi và Trần Đình Tiến. Nhưng phải nói đây là trận thắng lợi hết sức kinh điển. Tôi đạt HCV với chỉ 4 cơ đạt 400 điểm.

Anh được tổng cộng bao nhiêu tiền thưởng từ hai chiếc HCV châu Á và Đông Nam Á?

Cỡ khoảng 90 triệu đồng. Đối với gia đình tôi đây là một số vốn rất lớn giúp cho tôi an tâm để tiếp tục chơi bi da.

Hiện nay, công việc hàng ngày của anh là gì? Thu nhập chính của anh từ nguồn nào?

Buổi sáng tôi đi dạy bi da, thu nhập qua chuyện dạy khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Buổi chiều tôi đến nhà thi đấu Phan Đình Phùng để tập trong đội tuyển. Phụ cấp hàng tháng thêm 2 triệu đồng nữa. 8 giờ tối tôi mới trở về nhà. Đối với tôi thu nhập như vậy cũng tạm đủ.

Nói theo ngôn ngữ của kiếm hiệp, anh tự nhận xét võ công của mình đã lên mức tuyệt đỉnh thượng thừa chưa?

Chưa đâu, năm rồi tôi có được tập huấn tại Pháp. Đó là nơi bày ra môn bi da. Lúc ấy tôi mới thấy "trời cao đất rộng". Tôi đã được thử tài với các cơ thủ vô địch châu Âu, vô địch nước Pháp và kết quả là vẫn thua họ một bậc. Tuy không cách xa lắm nhưng khoảng cách ấy vẫn là một thách thức.

Vậy thì bí quyết thành công của môn bi da là gì?

Trước hết là đam mê. Không đam mê thì không thể đi tới nơi tới chốn. Sau đó là một sự chịu khó rèn luyện hàng ngày. Và cuối cùng là phải có đức tính khiêm tốn. Không khiêm tốn thì không chịu học hỏi và không đủ bản lĩnh để lội ngược khi đối thủ dẫn điểm xa với mình.
Trước hết là đam mê. Không đam mê thì không thể đi tới nơi tới chốn, Sau đó là một sự chịu khó rèn luyện hàng ngày. Và cuối cùng là phải có đức tính khiêm tốn.

 Tags: mua ban bida , mua ban bi a

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Tổng đài tư vấn sức khỏe 1900.8909