Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Những thay đổi của cơ thể khi về già

Khi trở về già, con người có những biến chuyển về thể lý và tâm lý mà chúng ta nên biết cho chính mình (nếu mình thuộc lứa tuổi cao niên) để thích nghi với những sự thay đổi hầu có một nếp sống thích hợp. Nếu quý bạn đọc thuộc lứa tuổi trẻ hơn, thì sự hiểu biết này sẽ giúp quý vị thông cảm với người già, thường là cha mẹ hay ông bà của quý vị.



I. Thay đổi về chất

Sự thay đổi về diện mạo bề ngoài thì ai cũng thấy như: da nhăn, tóc bạc, lưng khòm, đi đứng chậm chạp, nói năng chậm chạp, mắt mờ, tai lãng, sức yếu v.v… Tôi muốn trình bày ở đây những sự thay đổi tinh tế mà nếu không lưu tâm, chúng ta sẽ không nhận ra, và từ đó, đưa đến sự thiếu sót trong việc chăm sóc cho các cụ, nhiều khi đưa tới những hậu quả tai hại cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

1.  Hay ngã té:  vì chân yếu và khả năng giữ quân bình không còn mạnh như xưa. Do đó, trong phòng tắm cần có những biện pháp ngừa trơn trợt khi các cụ ra vào bồn tắm. Các cụ có thể không lên xuống cầu thang một cách mạnh dạn hay dễ dàng như trước. Sau khi té ngã, bị gãy xương chẳng hạn, các cụ cũng cần thời gian lâu hơn mới bình phục lại được.

2. Thiếu chú ý và hay quên:  thật ra, người già không mất đi những hiểu biết và khả năng của mình, các cụ chỉ chậm chạp hơn trong việc bày tỏ và vận dụng sự hiểu biết của mình mà thôi, do đó, nhìn bề ngoài chúng ta dễ nghĩ là các cụ hay quên khi chúng ta phải chờ một hồi lâu mới được câu trả lời mà mình muốn nghe. Chúng ta cần để ý đến sự bực bội của mình khi phải lập đi lập lại một điều đã cũ mà chúng ta cho rằng các cụ đã biết rồi. Chúng ta cần phân biệt sự chậm chạp và hay quên bình thường của người già với bệnh lẫn gọi là Dementia hay Alzheimer Disease. Hai bệnh này cần có sự khám nghiệm và điều trị của bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ tâm thần.

3.  Dễ mắc bệnh hơn người trẻ, do sự già lão và suy nhược của các cơ quan trong cơ thể, và do khả năng miễn nhiễm không còn mạnh mẽ như trước. Những bệnh như cảm cúm, sưng phổi, rất dễ đưa tới cái chết cho người già mặc dù người trẻ có thể đương cự và bình phục một cách dễ dàng. Những triệu chứng báo động của cơ thể không còn bén nhạy như trước, do đó, người già có thể không cảm thấy là mình đang khát mặc dù cơ thể đang bị thiếu nước trầm trọng, người già có thể không bị sốt cao như người trẻ mặc dù đang bị sưng phổi hay nhiễm trùng.  Do đó, người già cần được lưu tâm và quan sát đặc biệt để nhận ra những thay đổi cho thấy các cụ đang bị bệnh, hầu kịp thời săn sóc và chữa trị.

4. Phản ứng chậm:  sau khi nghe câu hỏi, người già cần một khoảng thời gian lâu hơn để ghi nhận dữ kiện, và thời gian lâu hơn để đưa ra câu trả lời. Do đó, chúng ta cần nói chậm rãi hơn bình thường, nhìn thẳng vào mắt các cụ để biết rằng các cụ đang chú ý lắng nghe, khi có câu hỏi quan trọng. Chúng ta cũng cần chờ lâu hơn bình thường để nghe câu trả lời. Nếu các cụ lãng tai, thì chúng ta càng cần kiên nhẫn hơn nữa.

5. Sự đi đứng chậm chạp và phản ứng chậm khiến các cụ cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị mỗi khi đi ra ngoài. Do đó, chúng ta cần báo cho các cụ biết trước khi các cụ cần đi đâu, càng sớm càng tốt để các cụ chuẩn bị, như thay quần áo, thu xếp giấy tờ cần thiết. Chúng ta cần để ý đến tâm trạng sốt ruột và bực bội của mình khi chờ các cụ, để kiên nhẫn hơn và tránh những câu nói thiếu tế nhị làm các cụ cảm thấy tủi thân và mủi lòng.

II. Thay đổi tâm lý

Trong các giai đoạn của cuộc sống, tuổi già là tuổi con người ngưng bon chen với cuộc sống để bắt đầu thụ hưởng kết quả do những năm tháng trước mang lại. Tuổi này còn là lứa tuổi truyền lại cho con cháu và thế hệ sau những kinh nghiệm và sự hiểu biết, hoặc đóng góp vào xã hội qua những sinh hoạt xã hội, giáo dục và từ thiện. Bên cạnh đó, sự suy giảm chức năng có thể làm cho người già cảm thấy mình không còn làm chủ tình hình như trước và trở nên lo lắng quá độ.  Nếu con người tới tuổi già không có gì để thụ hưởng, sống nghèo khó, đơn côi, không người chăm sóc hay kề cận, hoặc có những ước mơ không thỏa, họ có thể có những xáo trộn tâm lý như phát bệnh trầm cảm hoặc trở nên lo lắng hay đa nghi. Sau đây là những thay đổi tâm lý còn nằm trong mức độ bình thường:

1.  Muốn được chăm sóc và để ý tới nhiều hơn: do những thay đổi thể lý, người già có thể mất đi những khả năng đã có như không thể lái xe được nữa, không tự nấu ăn hay chăm sóc vệ sinh cơ thể được nữa, do đó trở thành lệ thuộc người khác. Có người già chấp nhận và ứng phó thành công với sự suy giảm chức năng, nhưng cũng có người trở thành lo lắng quá độ, lúc nào cũng đòi con cái ở cạnh để được chăm sóc, hoặc trở thành cau có, gắt gỏng khi con cái bê trễ trong việc đáp ứng những nhu cầu của mình.

2. Sợ cô đơn: nhất là với đời sống ở các nước tân tiến và kỹ nghệ như tại Hoa Kỳ, tuổi trẻ bận rộn bay nhảy, bon chen, người già rất dễ thấy mình bị bỏ rơi và quên lãng trong bốn bức tường, nếu không có khả năng lái xe, đi xe bus để tham gia những sinh hoạt xã hội hoặc giải trí.  Sự cách biệt giữa các sinh hoạt thời còn trẻ và tuổi già càng nhiều thì sự thích nghi càng khó. Do đó, người già có thể có thái độ thất vọng, trì kéo và lệ thuộc vào con cái của mình. Chúng ta cần thông cảm thái độ này để cư xử một cách tế nhị hầu tránh rơi vào trường hợp hất hủi hay ngược đãi người già.

3. Hay lo âu hơn trước: chính vì chậm chạp, mất đi những chức năng và phải lệ thuộc hay nhờ vả người khác, mà người già trở nên lo lắng quá độ. Do sự lo lắng này, các cụ thường lập đi lập lại một yêu cầu hay một câu hỏi, để được trấn an. Nhưng chính sự lập đi lập lại này có thể làm con cháu hay người gần cận trở thành bực dọc và cau có với các cụ.

4. Dễ mủi lòng, tủi thân khi những nhu cầu hay yêu cầu của mình không được các con đáp ứng đầy đủ hay nhanh chóng.  Nhất là các cụ đã từng dành phần lớn thì giờ của đời mình trong việc chăm sóc, lo lắng cho các con với ước mơ được các con đền đáp lúc tuổi già.

5. Nếu người già có những ước mơ không thực hiện được, không hài lòng với cuộc đời mình, có thể có những triệu chứng của bệnh trầm cảm, và trở thành một người khó tính, hay gay gắt với con cái, và có thể, ganh tị cả với sự thành công của các con. Những người già can thiệp hay kiểm soát quá nhiều vào đời sống con cháu, thường là những người không thỏa hiệp và thích nghi được với giai đoạn mới này của đời sống.

II. Những điều cần để ý khi cư xử với người già

1. Hiểu được rằng người cao niên có những sự thay đổi do tuổi già đem lại, do đó, các cụ có thể không còn đáp ứng được những gì chúng ta mong ước nơi các cụ, như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, lái xe, ứng biến nhanh chóng đối với những sự thay đổi của đời sống. Hiểu như vậy sẽ giúp chúng ta thông cảm thay vì thất vọng hay nổi giận khi mọi chuyện không còn xảy ra như chúng ta mong ước.

2.  Quan tâm đến những nhu cầu thực tế và căn bản của các cụ hầu đáp ứng, như ăn, ngủ, phương tiện chuyên chở khi đi khám bác sĩ.  Ðể ý xem các cụ có chính xác trong việc uống thuốc đúng theo toa bác sĩ không hầu giúp đỡ.

3. Kiên nhẫn, tránh tìm cách chứng minh là các cụ sai lầm.  Cần suy nghĩ và nhận xét tình hình trước khi có phản ứng.  Bạn sẽ thấy rằng mình hay gắt gỏng và cau có với các cụ hơn trước chỉ vì bị hỏi đi hỏi lại một câu hỏi mà bạn đã trả lời nhiều lần.  Bạn cần để ý đến sự bực bội của mình vì các cụ quá chậm chạp mà mình thì đang gấp rút chạy đua với công việc.

4. Lắng nghe các cụ nói và ghi nhận, thay vì tìm cách sửa sai. Các cụ rất dễ tủi thân vì cho rằng con cái không còn kính trọng mình nữa. Cứ làm những điều bạn cho là đúng mà không cần phải thuyết phục các cụ đồng ý với mình, đồng thời vẫn ngọt ngào và chăm sóc các cụ. Nếu bạn cảm thấy khổ sở vì phải nghe các cụ lập đi lập lại những lời khuyên đã cũ, có thể tế nhị hướng câu chuyện sang một lãnh vực khác, hoặc biến những cuộc thăm viếng trở thành thường xuyên nhưng ngắn hạn hơn.

5. Cung cấp và tạo điều kiện cho các cụ có những sinh hoạt giải trí đều đặn, như đi bộ cùng các cụ khác, tập thể thao, đánh bài, đánh cờ tướng, đi du lịch.  Người già thường yêu thích trẻ con, do đó nên tạo cơ hội cho các cụ vui chơi với các cháu ngoại, cháu nội.

6. Khi thấy các cụ có những sự thay đổi lớn, như hay cau có, gắt gỏng, thay đổi tính nết trở thành khó chịu, hay quên, xuống cân, ít ngủ, biếng ăn, nên nghĩ đến những căn bệnh có thể xảy ra cho người già về thể chất lẫn tâm thần hầu kịp thời đưa các cụ đi khám bác sĩ, thay vì cho rằng chỉ là những thay đổi thông thường.

III. Cái chết

Vấn đề ưu tư hàng đầu của người già, dù nói ra hay không, vẫn là đối diện với cái chết. Có cụ rất thoải mái bàn luận về vấn đề này, có những thu xếp và hoạch định rõ ràng về tang lễ của mình. Có cụ không nói gì vì kiêng cữ, sợ xui xẻo, con cháu chỉ biết được ý các cụ sau khi đã qua đời, theo chúc thư để lại. Có cụ không thỏa hiệp được với cái chết, và có những dấu hiệu sợ hãi cái chết.  Do đó, bạn nên dò xét ý tứ các cụ và tạo cơ hội để các cụ có thể bàn bạc về vấn đề này một cách rõ ràng.  Các cụ đa số sẽ thấy yên tâm hơn khi con cháu biết được ý muốn của mình và tỏ vẻ hợp tác để thực hiện ước muốn của các cụ.

Chú ý: Nếu có vấn đề thắc mắc về sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi nói chung, mời bạn gọi điện thoại đến tổng đài tư vấn sức khỏe 19008909 để được tư vấn trực tiếp.


Theo: Cachchuabenh.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Tổng đài tư vấn sức khỏe 1900.8909